Sửa đổi một số điều luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh

Mới đây, dự án luật sửa đổi được thực hiện nhằm thời tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực thi các luật về đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện cho hoạt động của doanh nghiệp.

Ông Quách Ngọc Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có những chia sẻ thông qua dự án sửa đổi này.

- Qua thực tiễn rà soát, đánh giá các quy định pháp luật về đầu tư kinh doanh thời gian qua, ông có thể cho biết những hạn chế, bất cập của các quy định này tập trung ở những khía cạnh nào? 

Một trong những nội dung vướng mắc được phát hiện trong quá trình áp dụng, rà soát các quy định pháp luật liên quan đến đầu tư kinh doanh là việc thiếu kết nối, còn có quy định chưa đồng bộ giữa các luật liên quan đến hoạt động này.

Thông thường, khi nói đến đầu tư, kinh doanh, người ta thường nghĩ đến Luật Đầu tư, nhưng thực tế, hoạt động đầu tư, kinh doanh được điều chỉnh bởi nhiều luật khác nhau và môi trường đầu tư, kinh doanh chỉ thực sự thông thoáng, thuận lợi khi quy định của các luật này có sự liên kết, đồng bộ với nhau.

Bên cạnh đó, Luật Đầu tư 2014 đã thiết lập một cơ sở pháp lý rõ ràng về quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm theo quy định tại Hiến pháp 2013, thông qua việc quy định chi tiết danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện tại luật.

Tuy nhiên, sau một năm thực thi, nhiều ngành nghề không còn cần thiết phải quy định là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện bởi nhà nước có thể quản lý bằng phương pháp khác, có hiệu quả hơn mà vẫn bảo đảm mục tiêu quản lý nhà nước như quản lý bằng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Đây cũng chính là một trong những lý do tại sao cần phải có luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh.


- Mục tiêu cơ bản của dự án luật sửa đổi một số điều của các luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh là gì? Đâu là những nội dung quan trọng cần phải sửa đổi ngay trong dự án một luật sửa nhiều luật này?

- Mục tiêu của dự án luật lần này là tập trung sửa đổi những nội dung mang tính cấp bách, biểu hiện ở ba nội dung chính. 

Thứ nhất, sửa đổi các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, bãi bỏ các ngành nghề đầu tư kinh doanh không còn phù hợp, không còn cần thiết; loại bỏ những ngành nghề trùng lặp; chỉnh sửa lại nội dung, tên gọi của một số ngành nghề đầu tư kinh doanh phù hợp với một số luật chuyên ngành khác và bổ sung một số ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện phát sinh từ yêu cầu thực tiễn.

Thứ hai, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính theo hướng tạo điều kiện thuận lợi, đơn giản nhất cho doanh nghiệp. Công cuộc cải cách thủ tục hành chính đã được triển khai từ rất lâu và gần đây, Chính phủ đã có chỉ đạo quyết liệt liên quan đến công tác này. Chính vì vậy, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của dự án luật là bãi bỏ các thủ tục hành chính, nội dung không cần thiết trong các thủ tục hành chính.

Thứ ba, sửa đổi các quy định nhằm tạo tính đồng bộ, liên thông giữa các luật để tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Với nội dung trọng tâm như vậy, dự thảo luật lần này dự kiến sẽ sửa đổi 12 luật.

Hiện nay, dự thảo luật đã được đăng tải để lấy ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, người dân, các chuyên gia, nhà quản lý trên website, cổng thông tin của cơ quan soạn thảo. 

- Dưới góc độ cơ quan soạn thảo, ông có thể cho biết, trong quá trình lấy ý kiến đóng góp, xây dựng dự thảo luật, hiện nay còn nội dung nào còn có ý kiến khác nhau hoặc cần tiếp tục làm rõ? 

Một trong những nội dung mà chúng tôi nhận được nhiều ý kiến góp ý trong quá trình xây dựng, soạn thảo là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và quy định điều kiện đối với các ngành nghề này. Mục tiêu cuối cùng là để cho người dân, doanh nghiệp tiến hành hoạt động kinh doanh có thể biết rằng, một ngành nghề cụ thể nào đó có được đầu tư, kinh doanh hay không và nếu có điều kiện thì điều kiện như thế nào. 

Luật Đầu tư 2014 đã cụ thể hóa quyền tự doanh kinh doanh theo Hiến pháp 2013 với cơ chế rõ ràng. Tới đây, dự thảo luật sẽ tiếp tục hoàn thiện các quy định này để làm sao minh bạch, rõ ràng hơn. Ví dụ, trong lĩnh vực nhập khẩu phim hay sản xuất phim là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Quá trình rà soát và thực tế cho thấy, Nhà nước cần quản lý nội dung phim chứ không phải hoạt động sản xuất phim.

Do đó, dự thảo lần này đã bãi bỏ ngành nghề sản xuất phim ra khỏi danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và không yêu cầu điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành sản xuất phim nữa. Ý kiến khác cho rằng cần phải duy trì điều kiện sản xuất phim để bảo đảm chất lượng của hoạt động này.

Khi nhận được những ý kiến khác nhau, nhiệm vụ của chúng tôi là ghi nhận đầy đủ thông tin góp ý của các bên, có ý kiến đánh giá, giải trình cụ thể để cơ quan có thẩm quyền có đầy đủ thông tin nhằm lựa chọn nội dung phù hợp và phương án tối ưu. Đối tượng lấy ý kiến là đối tượng chịu sự điều chỉnh của luật, bao gồm cơ quan Nhà nước, công đồng doanh nghiệp và các hiệp hội đại diện cho nhà đầu tư, doanh nghiệp.

- Vấn đề này tiếp tục được làm rõ theo hướng nào? Liệu Luật Đầu tư có quy định các điều kiện kinh doanh cụ thể không?

- Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư 2014 quy định những nguyên tắc cơ bản của hoạt động đầu tư kinh doanh, danh mục ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và nguyên tắc ban hành điều kiện đầu tư kinh doanh mà không quy định các điều kiện đầu tư kinh doanh cụ thể. Điều kiện đầu tư kinh doanh cụ thể do các luật chuyên ngành quy định.

Theo quy định của Luật Đầu tư thì nguyên tắc ban hành điều kiện đầu tư kinh doanh phải bảo đảm tính hợp pháp, minh bạch, rõ ràng, khả thi, hiệu quả quản lý Nhà nước, đồng thời bảo đảm người dân, doanh nghiệp thực hiện được thuận lợi, dễ dàng.

  Mộc Trà

 Nguồn: News.zing.vn, ngày 27/09/2016